Luận Bàn Về Sao Thiên Đồng
Thiên Đồng Dưng Thủy, hóa khí là ‘Phúc’ chủ về Phúc đức thuộc Nam đẩu hệ. Ở đắc địa người đầy đặn, vào hãm địa người thấp nhỏ. Thiên Đồng gặp Đà La nơi Mệnh cung hay có tật ở mắt như lác, lé, cườm mắt. Thiên Đồng hành Thủy nên cũng ưa động, bị động chứ không chủ động, tâm thần không kiên nhẫn mà giao động, luôn luôn đổi ý. Thiên Cơ già dặn kinh lịch, Thiên Đồng động một cách non nớt, ấu trĩ.
Thiên Đồng gặp Thiên Riêu tâm tình y như người đồng bóng ưa giận dỗi, nay thế này, mai thế khác. Số nữ có Thiên Đồng thì hiền thục nhưng khó chiều, dễ hờn mát. Thiên Đồng khoái hưởng thụ hơn phấn đấu. Chủ về Phúc nên đóng ở cung Phúc Đức kể như tốt nhất. Phúc Đức cung có sao Thiên Đồng đời đời mãi mãi sống sung túc với điều kiện không đi cùng Cự Môn.
Điểm đặc biệt của Thiên Đồng là không sợ Sát Kỵ, dễ có thể dựa vào Sát Kỵ làm khích phát lực. Sát Kỵ đẩy Thiên Đồng vào quyết liệt phấn đấu. Đó chính là lý do cổ nhân đưa ra câu phú: Thiên Đồng Tuất cung Hóa Kỵ Mệnh ngộ phản vi giai (Thiên Đồng tại Tuất hội Hóa Kỵ thủ Mệnh hóa ra tốt)
Đồng đóng cung Tuất yên vì
Hãm cung nhưng lại được bề hiển vinh
Nhờ sao Hóa Kỵ thêm xinh
Ấy là ưng hợp dễ thành giàu sang
Cách Thiên Đồng cung Tuất hội Hóa Kỵ
Cổ thư gọi bằng ‘Càn cung phản bối’. Không phải chỉ gặp Hóa Kỵ không là đủ. Hóa Kỵ còn cần Cự Môn, Hóa Lộc, Văn Xương thì mới đến tình trạng bĩ cực thái lai sức dồn ép đến sức cùng bật ngược trở lại.
Song song với cách ‘Càn cung phản bối’ là cách ‘Mã đầu đới tiễn’ (Cung tên treo cổ ngựa). Mã đầu chi cung Ngọ, tiễn là Kình Dương. Chỉ những người tuổi Bính Dậu mới gặp Kình Dương thôi.
Phú nói ‘Thiên Đồng Kình Dương cư Ngọ vị, uy chấn biên cương’ nghĩa là Thiên Đồng đóng cung Ngọ gặp Kình Dương uy thế ra tới ngoài biên ải. Đừng nhầm lẫn hễ cứ thấy Thiên Đồng hội Kình Dương cả ở cung Tí mà gọi là ‘Mã đầu đới tiễn’. Cung tên chẳng thể treo ở cổ chuột.
Tử Vi Đẩu Số viết: ‘Người tuổi Bính an Mệnh ở cung Tỵ, Hợi gặp Thiên Đồng, công danh tiền bạc tốt’. Đó là cách Điệp Lộc (hai sao Lộc). Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn từ cung xung chiếu Tỵ. Cách Điệp Lộc thì giàu có. Nếu thêm Tả, Hữu, Khôi, Việt còn cả sang nữa.
Thiên Đồng đóng Dậu
Người tuổi Bính cũng Điệp Lộc. Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn từ cung Tài Bạch đứng cùng Cự Môn chiếu qua, Hóa Quyền đi theo Thiên Cơ chiếu lên, tiền bạc khá giả nhưng không hay bằng cách Điệp Lộc của Thiên Đồng Tỵ Hợi bởi lẽ cả ba sao Đồng Cơ Cự không đắc địa.
Còn như Thiên Đồng tại Sửu mà tuổi Bính cũng Điệp Lộc. Hóa Lộc tại Mệnh, Lộc Tồn cung Quan kém hơn. Vì Cự Đồng đồng cung gây chướng ngại trên hoàn cảnh cũng như trên tính tình. Và Lộc ở Quan cũng chẳng bằng Lộc ở cung Tài Bạch.
Điệp Lộc còn vào người tuổi Đinh khi Thiên Đồng đóng Ngọ, nên Tử Vi trong tinh điển mới viết: “Đồng Ngọ hãm, Đinh nhân nghi chi”. Đồng Âm Ngọ hãm địa, nhưng tuổi Đinh lại tốt vì có Điệp Lộc. Vậy thì Thiên Đồng cần Điệp Lộc.
Với tuổi Canh, cách Thiên Đồng có một điểm nghi nan trên an bài Tứ Hóa. Tuổi Canh Đồng gặp Hóa Kỵ hay Hóa Khoa? Là Nhật Vũ Đồng Âm hay Nhật Vũ Âm Đồng? Theo trình tự của Tứ Hóa? Không ai đủ uy quyền mà quyết định. Bên Trung Quốc đã bàn cãi nhiều mà rút cục phe nào làm theo ý phe ấy. Người trọng tài duy nhất chỉ là Trần Đoàn tiên sinh thôi, mà tiên sinh thì chưa sống lại. Tuổi Canh hễ dính dấp đến Thiên Đồng vấn đề muốn nát óc, phải mượn tướng cách mà đoán thêm.
Toàn thư viết rằng: “Nhược tại Hợi địa, Canh sinh nhân hạ cục cách ngộ Dương Đà Linh Kỵ xung hội, tác cô đan phá tướng mục tật”. Câu trên nghĩa là, nếu Đồng đóng Hợi mà tuổi Canh thì xấu, lại gặp cả Dương Đà Linh Kỵ nữa, thì cô đơn, phá tướng, có mục tật (cận thị nặng hoặc đui mù). Vịn vào câu trên mới lập luận chắc Thiên Đồng bị Hóa Kỵ nên mới thành hạ cục, thiết nghĩ không lấy chi làm rõ lắm, vì cũng câu trên lại bảo ‘cánh ngộ’ (lại gặp cả) Hóa Kỵ. Sao phải dùng chữ ‘cánh ngộ’ nếu như đương nhiên Thiên Đồng đi với Hóa Kỵ.
Và rõ ràng hơn ở mục sắp xếp các sao thì chính Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư vẫn sắp Hóa Kỵ đứng bên Thái Âm.
Canh Nhật Vũ Đồng Âm vi thủ
Tân Cự Dương Khúc Xương chí.
Riêng tôi thấy Đồng Âm đúng. Bên Trung Quốc, Tử Vi thấu phái chủ trương Âm Đồng.
Về cách ‘Càn cung phản bối’ của Thiên Đồng tại Tuất đứng với Hóa Kỵ, cách này chỉ hiện lên vì hai tuổi Tân và Đinh. Tuổi Tân, Hóa Kỵ theo Văn Xương đóng Tuất hoặc Thìn (tùy theo giờ sinh Tí Ngọ). Tuổi Đinh, Hóa Kỵ theo Cự Môn đóng Thìn. Tuổi Tân Cự Môn còn có cả Hóa Lộc nữa. Tuổi Đinh thì Đồng đứng bên Hóa Quyền
Khi giải thích về: “Càn cung phản bối”, cổ nhân viết câu : “Thiên Đồng tại Tuất, Đinh Tân nhân ngộ phản vi kì” là thế.
Thiên Đồng cần đi với Hóa Lộc
Ở trường hợp ‘Càn cung’ nó cần Hóa Kỵ để làm sức khích động, sức khích động ấy chuyển tình trạng bất lợi sang tình trạng thuận lợi, chuyển hàn vi thành khá giả.
Bĩ cực thái lai, cổ nhân ngầm báo cho hay rằng cách Càn cung phản bối trước khi nên công phải bị đẩy vào chỗ bĩ đa. Thiên Đồng còn được nhận như bạch thủ hưng gia (tay trắng làm nên) chính là rút tỉa từ cách ‘Càn cung’ vậy. Cách ‘Càn cung phản bối’ cổ nhân cho rằng không hợp với nữ mạng.
Đàn ông con trai phải thiên ma bách triết được, đàn bà mà như thế chẳng khác gì cô thôn nữ chất phác dấn thân vào chốn phồn hoa.
Chỉ thấy nói Thiên Đồng tại Tuất mới có cách Càn vi phản bối. Thiên Đồng tại Thìn thì không. Không thấy Đẩu Số toàn thư giảng tại sao? Tuy nhiên có luận cứ của người đời sau cho rằng Thìn là cung Thiên La, Tuất là cung Địa Võng. Đã Thiên thì hết khích động phản ứng, chỉ có Địa tiếp xúc với cái thực tế trước mặt mới chịu khích động phản ứng mà thôi.
Luận cứ này cũng cho rằng Thiên La nên hiểu theo nghĩa Thiên Nhai, Địa Võng nên hiểu theo nghĩa Địa Dốc (chân trời góc biển). Thiên Nhai (chân trời) không tạo khích động lực như Địa dốc. Cái gì thuộc trời như đã an bài rồi, cái gì thuộc đất còn tiếp tục đấu tranh.
Vào số nữ, cổ nhân cho rằng không nên nếu nó đi với Thái Âm hay Thiên Lương.
Đồng Âm ở Ngọ ở Tí
Đồng ở Tuất hội chiếu Cơ Âm ở Dần
Đồng ở Dậu đối xung với Thái Âm tại Mão
Đồng đóng Mão, Thái Âm tam hợp từ Hợi
Đồng Lương cùng đóng Dần Thân
Đồng ở Tỵ Lương ở Hợi, Đồng ở Hợi Lương ở Tỵ
Đẩu Số Toàn Thư viết: “Nữ mệnh bị Sát xung phá ắt hẳn hình phu khắc tử, Nguyệt Lương xung phá và hợp thường làm thứ thất hay lẽ mọn”. Ngoài ra cũng sách trên viết câu: “tuy mỹ nhi dâm” (tuy đẹp nhưng mà dâm). Thiên Đồng cung Tí là người đàn bà nhan sắc diễm lệ:
Đồng Nguyệt Tí gái hoa dung Gặp Tang, Riêu, Khốc khóc chồng có phen
Đồng Âm tại đây nếu bị Tang Riêu Khốc thường ly phu, khắc phu thậm chí sát phu. Đồng Âm ở Ngọ đa đoan, nhan sắc không đẹp như Đồng Âm cung Tí nhưng tính dục cực vượng thịnh. Đồng Dậu, Nguyệt Mão, Đồng Mão Nguyệt Hợi cũng đẹp và dâm vậy. Luận đoán quan kiện đặt trên căn bản ý chí lực và tình tự.
Thiên Đồng chịu ảnh hưởng của Thái Âm làm cho ý chí lực bạc nhược. Nếu bị xung phá của Hỏa Linh càng bạc nhược lại thêm bị kích thích. Thiên Đồng chịu ảnh hưởng của Thiên Lương đưa ý chí vào mộng cảnh. Nếu bị Kình Dương Đà La thì càng như sống trong mơ.
Chủ yếu khi luận đoán về Thiên Đồng là ý chí và tình tự. Ý chí với tình tự phải cân bằng khi vào nữ mạng thì cuộc đời mới yên ổn thảnh thơi. Bị Thái Âm làm cho bạc nhược ý chí, bị
Thiên Lương làm cho viển vông tình tự đều không hay, nếu như lại chịu xung phá của Kình Đà Linh Hỏa lại càng thêm phiền nữa.
Thiên Đồng mừng thấy Khoa Lộc đi bên
Ý chí tình tự vừa đúng, cân bằng.
Nếu Thiên Đồng gặp Quyền, Kỵ, Lộc, ý chí tình tự cũng mất thăng bằng như gặp Linh Hỏa Lương Âm Kình Đà. Cổ nhân cho rằng cơm no ấm cật quá tất nghĩ chuyện dâm dật.
Phú có câu: “Nữ Mệnh Thiên Đồng tất thị hiền” (Người nữ Thiên Đồng thủ mệnh hiền thục). Thiên Đồng không giản đơn như thế đâu. Như cách Cự Đồng vào nữ thì tâm trạng không lúc nào hết thống khổ.
Bản chất hiền thục tất cần an định êm ả, không có khả năng chống trả với phá phách phiền nhiễu nên Thiên Đồng ý chí phải vững vàng không bạc nhược, không quá khích, tình tự phải chân chất, không viển vông mơ ước hão. Bởi vậy Thiên Đồng sợ Kỵ, Kình Đà, Lương Âm, Hỏa Linh.
Các sao trong Tử Vi khoa ẩn chứa cái lý của nhân sinh thật phong phú. Thiên Đồng Thái Âm đi vào nam mạng thì sao? Đồng với Thái Âm ở Tí Ngọ đều là con người hào hoa đa tình. Thiên Đồng Dậu Mão dễ vướng bẫy tình. Cự Đồng đóng cung Sửu Mùi, nam mạng tầm thường cuộc đời nhiều chướng ngại.
Cần nghiên cứu thêm qua những câu phú sau đây nói về Thiên Đồng
Thiên Đồng ngộ Kiếp Không bất cát
(Thiên Đồng thủ mệnh gặp Kiếp Không thành xấu)
Đồng Âm Ngọ, Bính Mậu tuế cư phúc tăng tài hoạch, gia hãm Long Trì tu phòng mục tật
(Đồng Âm đóng Ngọ tuổi Bính Mậu công danh phát đạt, tiền tài phấn chấn, ngại gặp Long Trì tất có tật ở mắt)
Đồng Âm tại Tí, Nguyệt Lãng Thiên Môn, dung nhan mỹ ái, Hổ Khốc Riêu Tang xâm nhập chung thân đa lệ phối duyên
(Đồng Âm thủ Mệnh tại Tí, như mặt trăng sáng nơi cửa trời nhan sắc xinh đẹp, nếu bị Bạch Hổ, Thiên Khốc, Thiên Riêu, Tang Môn xâm nhập thì dang dở, khổ tình hay góa bụa)
Phúc diệu phùng Việt diệu ư Tí cung định thị hải hà dục tú
(Đồng Âm đóng tại Tí thủ mệnh gặp Thiên Việt có vẻ đẹp sang trọng uy nghi)
Phúc diệu nhi ngộ Cự Môn thê nhi lãng đãng
(Thiên Đồng Cự Môn Đồng cư thủ Mệnh lận đận cuộc đời, nhưng Thiên Đồng Cự Môn đóng Phối cung thì hoặc muộn chồng, muộn vợ con hoặc gãy đổ duyên tình)
Đồng Lương viên, ngộ Khôi Quyền tăng phùng Linh Kỵ, giao lại Song Lộc doanh thương dị đạt phú cường
(Đồng Lương đóng Mệnh gặp Thiên Khôi Hóa Quyền lại có Linh Kỵ và Song Lộc chiếu làm thương mại dễ nên giàu)
---Bài viết tham khảo thêm---
- Điện thoại: 0913 563 536
- Địa chỉ: Phan Trọng Tuệ - Thanh Trì - Hà Nội
- Đặt lịch luận giải lá số tử vi chuyên sâu